Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, ít xảy ra các loại dịch bệnh, tình hình tiêu thụ thủy sản nuôi có chiều hướng chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm, tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 5.543ha, đạt 62% kế hoạch và bằng 102% so cùng kỳ; nuôi lồng/vèo là 2.500m3, bằng 92,6% so cùng kỳ; trong đó, đã thu hoạch được 3.997ha với sản lượng 69.510 tấn, đạt 77,2% kế hoạch và bằng 116% so cùng kỳ.
Cụ thể, diện tích thả nuôi thủy sản nước lợ ước đạt 4.089 ha, đạt 66,7% kế hoạch và bằng 101% so cùng kỳ; thu hoạch 2.827ha với sản lượng 9.465 tấn, đạt 59% kế hoạch, bằng 100% so cùng kỳ. Diện tích thả nuôi thủy sản nước ngọt ước đạt 1.445ha, đạt 51,6% kế hoạch và bằng 105,5% so cùng kỳ; thu hoạch 1.170 ha với tổng sản lượng nuôi 60.045 tấn, đạt 81,2% kế hoạch và bằng 119% so cùng kỳ. Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản có đóng góp lớn của nuôi cá tra thương phẩm. Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ cá tra thuận lợi, giá cá tra tăng, dao động từ 26.000-27.000 đồng/kg. Tính đến nay, tổng sản lượng cá tra ước đạt 52.000 tấn, tăng 21,2% so cùng kỳ năm 2023.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao, ưu tiên nuôi các loại thủy sản có lợi thế, từng bước mở rộng vùng nuôi. Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chú ý vấn đề thời tiết, nhất là tình hình khí hậu diễn biến bất thường sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng thủy sản; đồng thời, giám sát chặt chẽ không để xảy ra dịch bệnh, nhằm tránh giảm sản lượng thủy sản thu hoạch.
Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Long An đã chú trọng phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều mô hình liên kết nuôi thủy sản đã phát huy hiệu quả, giúp người nuôi có lợi nhuận ổn định.
Từ những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, nhiều hộ dân ở huyện Tân Hưng mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại huyện Vĩnh Hưng hiện có trên 500ha thủy sản nước ngọt, trong đó chủ yếu là cá tra thương phẩm (hơn 440ha), còn lại là ương cá tra giống, nuôi tôm càng xanh, cá lóc,…
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, mặc dù nuôi thủy sản nước ngọt của Long An những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế đều tăng nhưng kết cấu hạ tầng sản xuất còn nhiều hạn chế, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún.
Để nuôi thủy sản nước ngọt phát triển bền vững, thời gian tới, các địa phương cần đánh giá cụ thể về tiềm năng, thế mạnh, thực trạng; có những chính sách hỗ trợ người nuôi kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại địa phương để chủ động nguồn giống, bảo đảm chất lượng và giá thành. Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hoạt động khuyến ngư.
Xác định rõ đối tượng chủ lực tại mỗi vùng nuôi
Năm 2023, ngành nuôi thủy sản của tỉnh Long An tiếp tục được duy trì và phát triển, tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 89.581 tấn (vượt so với kế hoạch đề ra 75.000 tấn), góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như thời tiết diễn biến bất thường; hoạt động kinh doanh và cung ứng vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, giá cả tăng cao và chất lượng chưa được kiểm soát tốt; giá bán thủy sản giảm mạnh, tình hình tiêu thụ còn khó khăn, không ổn định.
Trước tình hình trên, nhằm tổ chức nuôi trồng thủy sản trong năm 2024 đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các sở, ngành chức năng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển nuôi thủy sản. Trước tiên, quán triệt quan điểm đối tượng thủy sản nuôi chủ lực ở các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ là tôm thẻ chân trắng, tôm sú; ở các huyện còn lại là thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá tra, cá lóc, cá sặc rằn, baba, lươn, ếch, các loài cá cảnh.
Phát triển nuôi thủy sản theo hướng VietGAP
Tỉnh Long An khuyến khích phát triển nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ hoặc áp dụng mô hình nuôi ít thay nước, sử dụng chế phẩm sinh học; thực hiện nuôi luân canh, xen canh nhằm hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; các cơ sở nuôi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, bố trí đầy đủ ao lắng, ao chứa nước thải, chất thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh, chấp hành đúng các quy định pháp luật về thủy sản.
Đối tượng nuôi phải phù hợp với quy hoạch, điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đối với những vùng nuôi điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo thì chỉ nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, các cơ sở có đủ điều kiện thì nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thả nuôi trên 4.000ha tôm nước lợ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và khuyến cáo khung lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ tại 4 huyện vùng hạ của tỉnh, chỉ đạo phát triển nuôi thủy sản năm 2024; tổ chức quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi thủy sản và thông tin, khuyến cáo kịp thời đến người dân để có giải pháp ứng phó khi môi trường diễn biến bất lợi; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống thủy sản; thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, vật tư dùng trong nuôi thủy sản; kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi thủy sản theo quy định; kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh và chất độc hại trên các sản phẩm thủy sản nuôi, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thủy sản tại các cơ sở nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản.
Căn cứ chủ trương, định hướng phát triển nuôi thủy sản của tỉnh lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp điều kiện từng địa phương để thực hiện các mô hình trình diễn, mô hình nhân rộng các đối tượng thủy sản nuôi có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; hướng dẫn các quy trình nuôi mới phù hợp với điều kiện của từng vùng nuôi, đối tượng nuôi; áp dụng quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh, quy trình ương cá tra giống đạt tỷ lệ sống cao; hướng dẫn nuôi tôm nước lợ áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết như nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao.
Tiếp tục triển khai Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên con tôm tại các huyện vùng hạ giai đoạn năm 2021-2025; áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao đối với nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nhằm đạt kết quả cao về năng suất, sản lượng.
Phối hợp UBND cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức/cá nhân nuôi thủy sản thực hiện quy định về đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng); điều kiện ương dưỡng giống thủy sản (ương cá tra giống). UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người nuôi thủy sản các giải pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng nước ngầm phục vụ nuôi thủy sản đúng quy định. Hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định về chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi thủy sản.
Phối hợp UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác nước ngầm và bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Ngọc Thúy (theo Báo Long An)